Wednesday, January 11, 2012

Sáng tác của Nguyễn Ngọc Thạch Ba Rinh

  

TÀ ÁO EM XƯA


Tuy cách biệt vẫn thương tà áo trắng,
Tháng tư nào vương vấn giọt châu sa!
Khóc chia ly nhòa ánh mắt mặn mà,
Còn đâu nữa sân trường cùng tắm nắng…

Ta vẫn nhớ con đường xưa im ắng,
Giờ mình em vẫn nhẹ bước đơn côi.
Xa quê nghèo ta nhớ mãi em thôi,
Hồn câm nín thương về nàng áo trắng…

Có những buổi thả hồn về xóm vắng,
Lòng mơ màng tìm lại dấu cố nhân.
Trót lưu vong trôi giạt kiếp phong trần,
Luôn nhớ mãi tình ban sơ trong trắng…

Hơn nửa kiếp người ôm buồn canh cánh,
Tuổi xuân qua phải tập sống cảnh già,
Lòng bâng khuâng ngâm…'‘Dạ Khúc Chiều Tà’’
Cho vơi bớt nhớ thương tà áo trắng…

 Hai Lúa Ba Rinh  HD 68-75
Nguyen Ngoc Thach  HD 68-75








          HỘI NGỘ ...  DƯƠNG KHÁNH

Ngồi đợi mãi đến 5:00 chiều vẫn không thấy bạn gọi phone cho tôi.  Tôi đoán chắc máy bay bạn vẫn còn đang ở trên trời  không thể gọi điện thoại được nên tôi đã đóng cửa văn phòng để vội vã lái xe về nhà.
Khoảng hơn 6 giờ thì điện thoại reo.  Nhìn trong máy thấy hiện lên số phone cao bồi Texas nên tôi đã vui mừng nhấc phone:
_ Hello Đốc tờ ua tua ND Lân!  Welcome to New Jersey.  Ông về tới hotel chưa?
_ Tôi chưa về vì tour guide còn đưa đi ăn tối trong Chinatown NY.
_ Ông hỏi dùm tour guide xem sẽ ghé nhà hàng nào và khoảng mấy giờ sẽ tới nhà hàng?
_ Liberty restaurant, 7:00 PM.
_ Thanks.
Tôi cúp phone, và để gây ngạc nhiên cho Lân, tôi đã gọi phone báo khẩn cấp cho Thoại NY, đề nghị Thoại đi nhà hàng Tự Do để ngồi "căn me núp lùm" ở một bàn khuất bên trong chờ Lân.  Sau đó, khi nhìn thấy Lân bước vào nhà hàng, cứ việc đội mũ lụp xụp phủ kín mặt chỉ chừa bộ râu kẽm ra và bước lại vỗ vai Lân nhẹ nhàng khẽ hỏi : "Nee how Tùa Tỉa!" (Gọi 'Tùa Tía’ vì Thoại và Lân có chút kỷ niệm riêng, liên quan đến người Cô họ Liên Mũi Kiên.)
Nhưng kế hoạch welcome này bất thành vì cuối cùng do bị kẹt xe Thoại đã tới nhà hàng trễ và Lân đã rời nhà hàng sớm hơn dự định.  Sau đó, tôi đã gọi phone cho Lân, Lân nói tour guide đã dẫn đi ăn sớm hơn dự định và hiện đang đi tham quan Manhattan (mà Thoại quen gọi là thành phố Mã Nhật Tân từ ba thập niên qua).  Khi hỏi bao giờ về khách sạn, thì Lân trả lời, " moi  không biết", nên chúng tôi đành hẹn gặp nhau vào tối ngày hôm sau.
Lân đã tiếc rẻ không thể gặp được tụi tôi sớm hơn và còn nhấn mạnh nếu tour guide đưa Lân về hotel trước khi đi tham quan NY thì Lân sẽ ở lại hotel đợi tụi tôi và sẽ đi NY vào ngày mai làm cả tôi và Thoại cùng nôn nao, ráng sắp xếp việc nhà để đi gặp bạn cũ vào ngày mai.
Chiều ngày hôm sau, tôi đã rời sở làm trước 5 giờ sau khi đã trao chìa khóa văn phòng cho bà thư ký người Ái nhĩ Lan để bà ta khóa cửa văn phòng dùm để tôi có thể về nhà sớm hơn.  Chiều thứ sáu là thời điểm thường hay bị kẹt xe nên mãi đến gần 6 giờ tôi mới lái được nửa đường đi đến garage của đồng môn Mã Thành Phúc do anh ta cũng muốn cùng đi thăm Lân với tôi vì lớp 68-75 trên Miền Đông giá lạnh này chỉ có tôi và Phúc ở NJ. và chàng Thoại ở NY.  Đang lái xe thì Phúc gọi cell phone cáo lỗi là không thể cùng đi được vì chàng ta vừa có thêm một khách hàng mới lái xe vận tải lớn (big truck) tới nhờ sửa xong liền cùng ngày.  Phúc đã nhờ tôi chuyển lời hỏi thăm Lân và cầu chúc Lân thượng lộ bình an.
Tôi lật đật lái xe đến tiệm của vợ tôi để đón cô con gái rượu red wine Nguyễn Ngọc Hân đồng thời ghé lấy mấy món quà nhỏ của cô vợ gốc Sóc Trăng của tôi gởi biếu vợ chồng đồng môn Nguyễn Đình Lân.  Sau gần hai tiếng đồng hồ vừa đi lộn đường vừa bị kẹt xe tôi đã đi đến hotel của Lân trọ đúng giờ hẹn vào lúc đã hơn 8 giờ tối.
Đúng như hai bạn đồng môn Hồng Nhan và Ngọc Ánh đã thông báo vì hai trò này mới gặp lại Lân trong mấy năm gần đây, chàng Lân quả là "danh bất hư truyền" với biệt danh "Lân ông địa" vì Lân nhà ta lúc này nhìn có da có thịt hơn năm xửa năm xưa rất nhiều.  Còn Lân thì quở tôi: "Tôi đã ráng mường tượng ra coi mặt mũi ông như thế nào vì ba mươi mấy năm rồi tụi mình đâu có gặp nhau đâu vì hồi đó học với tôi trông ông ốm nhom ốm nhách, nhưng bây giờ trông ông cũng đâu có ốm yếu nữa đâu ". Về điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với Lân và tôi muốn đề nghị nhân ngày Mother's  Day May 9, 2010 các đồng môn 68-75 nên offer điểm A*** cho vợ Lân vì bà xã Lân đã  biết cách "vỗ béo" ông chồng thiệt giỏi.
Đang mừng rỡ xum vầy sau 35 năm ngăn cách có muôn ngàn chuyện để kể thì Thoại gọi tôi nhờ tôi chỉ đường vào hotel vì Thoại nhà ta thấy bản "Do Not Enter", nên lúng túng không biết cách nào để đến Khách Sạn.  Tôi đã chọc quê Thoại: "Thạch lái xe cả hai tiếng đồng hồ từ South Jersey lên North Jersey mà còn lái được tới nơi ngay chóc.  Còn Thoại từ New York City tới đây mất có 25 phút mà cũng đi lạc.  Sao mà Hai Lúa quá dzậy?  Nhưng khoan hãy vào hotel. Thoại ngó dùm coi có tiệm JC Penney hoặc Target nào ở trên đường đi không thì ghé mua dùm Lân một cái va ly vì Lân đang cần thêm một cái va ly nữa để đựng hành lý đấy".
Trong khi chờ đợi Thoại, tôi đã kể cho Lân nghe câu chuyện vui hôm tôi đưa người anh vợ ghé New York thăm Ba Má của Thoại nhằm lúc Thoại đang mặc quần soọc (thay quần tà loỏng thuở ấy xa xưa tại Sóc Trăng) đang trộn xi măng để sửa lối đi cho căn nhà Thoại mới mua cho Ba Má Thoại ở.  Anh vợ của tôi trong lúc vừa gặp Thoại cứ một điều hai điều thưa "Bác" xưng "con" với Thoại làm cho tôi "teo hồn lạc phách" vội vã đính chính: "Đây là  Đốc tờ ưa tưa Liên Hưng Thoại là bạn học của em. Còn Ba Thoại đang ở trong nhà chớ không có ở đây."  Phen này, nhờ đã được tôi cung cấp "orientation" trước cho nên lúc Thoại tới Lân đã nhận ra Thoại ngay và đã mừng rỡ "quấn quýt mân mê" bộ râu kẽm đã lốm đốm bạc của Thoại và cũng không quên xuýt xoa khen ngợi" công nhận nhờ bộ râu kẽm này nhìn Thoại chững chạc hơn các bạn đồng môn 68-75 khác của chúng ta rất nhiều."  Câu khen ngợi của Lân làm Thoại khoái chí, lớn tiếng "kể chuyện" bộ râu của Thoại, chẳng hạn như cũng nhờ bộ râu kẽm này mà Thoại đã rất nhiều lần vất vả nằm nhà nghỉ ngơi khi muốn cạo quách nó đi!  Cho nên Thoại luôn cương quyết "thà mất tất cả chứ nhất quyết không bao giờ để mất ....bộ râu kẽm quý giá của mình."  Lân đã an ủi Thoại cứ yên tâm nghỉ ngơi sau những năm tháng dài miệt mài làm công tác nghiên cứu khoa học.  Còn tôi thì cười cười vỗ vai cả hai ông Đốc tờ 68-75 nói nửa đùa nửa thật với Thoại: "chừng nào Thoại chán sống ở NY thì cùng lắm Thọai về NJ thi vào làm việc cho Board of Social Services của Tiểu Bang New Jersey chung với Hai Lúa cho dzui."
Thoại thì than thở công trình nghiên cứu "herbal medicines" của Thoại đã hoàn tất, nhưng tài khoản để chế tạo thành thuốc viên đã bị cắt bỏ từ trào Tông Tông Bill Clinton.  Còn các hãng bào chế tư nhân thì chưa hãng nào chịu hợp tác để bào chế.  Thoại có hỏi thăm Lân ở VN có hãng nào có thể hợp tác biến thuốc Nam thành thuốc viên.  Lân cười lớn trả lời VN còn nghèo lắm thì làm gì có người dám bỏ tiền ra đầu tư vào những chuyện to lớn như vậy được.  Tôi đã nói chêm vào câu chuyện trao đổi khoa học của hai ông Đốc tờ ưa tưa của lớp 68-75.  "Các Công ty Mỹ chỉ làm việc cho lợi nhuận của các nhà tư bản chứ không phải cho lợi ích của đại chúng đâu.  Đành rằng thuốc Dược thảo ít bị phản ứng phụ, nhưng nếu bào chế ra sau đó tung ra thị trường làm ảnh hưởng mức tiêu thụ hàng của các hãng bào chế khác chẳng hạn như thuốc của họ bị bán chậm lại thì tới lúc đó họ sẽ xúi khách hàng thưa kiện đổ thừa do uống thuốc Dược thảo nên bị phản ứng này phản ứng nọ thì các hãng bào chế sẽ bị sập tiệm như chơi".
Tới lúc Thoại nhắc lại những kỹ niệm về những người bạn vắn số của lớp 68-75 thì lòng của cả ba chúng tôi dường như đã chùng xuống và chúng tôi đã cùng nghẹn ngào im lặng trong vài giây.  Cuộc xum họp nào rồi cũng đến lúc phải chia tay.  Trước giây phút tạm biệt, cô con gái cưng Nguyễn Ngọc Hân của tôi đã mang bức tranh sơn dầu vẽ cảnh "Cánh buồm đang vượt sóng" để tặng Monsieur Le Professeur Nguyễn Đình Lân là con tàu dẫn đầu với biệt danh "ĐỘC CÔ CẦU BẠI" năm nào của  lớp HD 68-75.  Xin các bạn đồng môn vui lòng đừng lầm lẫn với danh hiệu "ĐỘC CÔ CẦU BẠI ...BIA RƯỢU" do Đốc tờ ưa tưa Hồ Quốc Lực HD 68-75 Anh Văn mới sắc phong cho Phạm Hùng Kiệt Cali  lớp Pháp Văn của Lân và tôi.
 Lân muốn test khả năng Việt Ngữ của cô con gái cưng của trò Thạch nên đã đề nghị Ngọc Hân viết mấy chữ để tặng Bác Lân bằng tiếng Việt "ba rọi".  Bé Hân đã viết vào mặt sau của bức tranh sơn dầu mấy chữ vắn tắt như sau:
To: bác Lân From: bé Hân  (được bỏ dấu rõ ràng)
Thông thường thì sau 25 năm sống chung hạnh phúc yên ấm nhưng cặp vợ chồng người Việt Nam thường dẫn nhau ra nhà hàng và đôi khi cả nhà thờ nữa để tổ chức lễ Ngân Khánh.  Còn sau 50 năm thì được gọi là Kim Khánh.  Lâu hơn nữa đến đẳng cấp 75 năm thì được gọi là Ngọc Khánh.  Bạn Nguyễn Đình Lân của chúng tôi đã ... huốt Ngân Khánh khá lâu rồi.
Riêng đối với trường hợp hội ngộ bất ngờ nơi đất khách quê người sau 35 năm ngăn cách chia lìa của ba đứa chúng tôi thì chúng tôi băn khoăn không biết là sẽ đặt tên cuộc hội ngộ này như thế nào cho được trọn vẹn ý nghĩa đây.  Thôi thì chúng tôi xin mạn phép quý Thầy Cô và các bạn đồng môn Hoàng Diệu để được phép gọi đây là một cuộc hội ngộ .... DƯƠNG KHÁNH.....
Nguyễn Ngọc Thạch  Ba Rinh  HD 68-75 Pháp Văn
Mother' s Day  May  9, 2010


HANG BETHLEHEM XƯA 
Ngài sinh với cảnh khổ không nhà,
Bố Mẹ hồi hương tự chốn xa.
Thú vật quây quần mong sưởi đấng,
Ba Vua bái lạy hiến dâng quà. 
Lung linh tinh tú soi đường tối,
Réo rắt Thiên thần cất tiếng ca.
Tội lỗi gian trần nay được xóa,
Chúa con giáng thế tựa ngàn hoa.
Nguyễn Hoàng Linh
Noel 2011  


THƠ- TÌNH LỠ-MƯA THU-THU HOÀI HƯƠNG

Để tặng một người bạn  H.D. tên H.T.
 
Mặc gió bão đèn sách vẫn miệt mài
Đưa em về bước chân lê cuối phố
Tóc xanh màu theo năm tháng dần phai
Chân lội tuyết  kéo chuỗi ngày héo úa

Tình em trao ơi quý giá vô ngần
Mãi ngụp lặn tưởng tình không thể với
Cuối đời người ngỡ không chút bâng khuâng
Nhưng vẫn biết em mỏi mòn ngóng đợi

Chia tay đã suốt mấy chục mùa ve
Trí có quên con tim buồn vẫn nhớ
Hè trở về hát lại bản tình ca
Nhớ lại khúc nghê thường vương vấn nợ

Thương rất nhiều tình em quá mênh mông
Vướng ngang trái lỡ duyên đầu nồng thắm
Kỷ niệm xưa như ngọn sóng bồng bềnh
Quên sao được dáng em tà áo lụa

Tình xuôi theo năm tháng vẫn đong đầy
Đêm giã biệt ngỡ đời như biển động
Sóng đời vùi  tình đã vượt tầm tay
Tình bất diệt biến đời như giấc mộng

Thương thân em ngày tháng mãi hao gầy
Ước kỷ niệm chẳng phải  như giọt nắng
Thời gian ơi hãy cuốn mái tóc mây
Xóa dĩ vãng cho lòng thôi ngao ngán

Nguyen Ngoc Thach HD 68-75


MƯA THU

Đều rơi quyện với gió hiu hiu,
Cuốn lá vàng bay đẹp mỹ miều.
Nỗi nhớ muôn đời luôn bất diệt,
Tình quê vạn kiếp vẫn còn yêu.
Mênh mông từng hạt thêm cô lẻ,
Bát ngát ngàn cây nhuốm tịch liêu.
Ngắm giọt mưa thu buồn héo hắt,
Có xa đất Mẹ, mới thương nhiều.

Nguyễn Châu Thổ HD 68-75
Thu 2011 

THU HOÀI HƯƠNG
  
 (Viết cho C.T.M. - Paris)

Thu về vọng cố quốc đìu hiu,
Cảnh vật Cờ Hoa quá mỹ miều.
Xứ lạ cao sang không lạc bước,
Quê nghèo khốn khồ vẫn thương yêu.
Ra đi anh nhớ dừa Cầu Đá, 
Trở lại em thèm nhãn Bạc Liêu.
Lá rụng vàng bay đầy trước ngõ,
Lòng ta chạnh tưởng chốn xưa nhiều.
Nguyễn Ngọc Thạch HD 68-75
Thu ly hương năm 2011


ĐỨA BÉ MỄ TÂY CƠ

Truyện ngắn  Mùa Giáng Sinh
Hôm ấy tôi đến sở muộn hơn thường lệ.  Vào văn phòng tôi mở danh sách những cases phải làm trong ngày, xem xét lại trước khi gọi để verify.  Cú điện thoại thứ nhất reo mãi nhưng không ai trả lời.  Cú thứ hai đường dây bị cắt.  Cú thứ ba một bà nói khan khan “Ông gọi lộn số rồi!”.  Cũng thường khi như vậy.  Tôi xếp đồng hồ sơ lại, chạy qua anh chàng da đen mới được tuyển để tán gẫu đôi câu về trận túc cầu tối hôm trước.  Khi trở lại văn phòng, tôi gọi cú điện thoại thứ tư, một tiếng nói thong thả trong như tiếng thiên thần “Bueno”.  Một đứa bé nói tiếng Tây Ban Nha!  “Puedo hablar con tu mama?” (Tôi nói chuyện với mẹ em được không?).  “No esta a la casa” (Mẹ không có nhà).  Trao đổi với em vài câu, tôi biết em ở nhà có một mình!  Em tên là Alejandra, 4 tuổi (Đứa bé trong hồ sơ)!  Tôi dặn em không được mở cửa cho ai vào, trừ khi đó là mẹ của em, rồi gác máy.  Trong chương trình làm việc của tôi, chuyện gặp các em bé ở nhà với nhau trong khi cha mẹ chúng đi làm là chuyện thường.  Nhưng một bé gái 4 tuoi ở nhà một mình thì không phải chuyện bình thường!  Tôi có cảm tưởng như mình đang thiếu dưỡng khí!  Tôi đi ra ngoài giải lao như để lấy thêm oxygen vào lúc này.  Quay trở lại văn phòng, việc thứ nhất tôi gọi ngay cho Connie, giám đốc sở.  Bà ấy rất ngắn gọn và nguyên tắc như…Mỹ:  “Call CPS [Child Protective Services], this is the number…”.  Tôi không gọi số của Connie cho, mà gọi cho một anh bạn đang làm bên CPS.  Cái hành xử mà tôi chọn lúc ấy cũng hơi “méo mó” đi một chút.  Tôi hỏi người bạn về những hậu quả có thể xẩy đến cho một trường hợp như thế.  Anh giải thích cặn kẽ:  Nếu gọi CPS, họ sẽ cho cảnh sát đến đưa đứa bé đến một nơi an toàn, và chắc chắn người mẹ sẽ được “mời” đi làm việc theo lối…công an VN!

Tôi suy nghĩ về một điều cũ rích năm xưa của nhà hiền triết Pascal “Le Coeur a ses raisons que La Raison ne connait point!” (Trái tim có những lý lẽ mà Lý Trí không hiểu được).  Ngoài triết lý, ông Pascal còn chơi hai chữ: raison viết thường thi có nghĩa là lý lẽ, nhưng nếu Raison viết hoa thì lại có nghĩa là Lý Trí!  Tôi vốn không thích làm nô lệ cho ba cái luật, nên đã tìm cách giải vấn đề theo phương trình…Pascal:

1-    Nếu cứ để mặc đứa bé, không thèm báo CPS.  Chuyện nguy hiểm có thể xẩy đến cho đứa bé với một xác xuất cũng…rất thấp.  Mẹ đứa bé không bị rầy rà.  Hên xui may rủi!
2-    Rất giản dị:  Gọi CPS rồi tụi nó tính sao mặc kệ.  Mình hết trách nhiệm.  Đứa bé an toàn, nhưng mẹ nó có thể bị bắt, mất việc làm, mẹ con họ ly tán!
3-    Tôi nghĩ ra giải pháp thứ ba:  Không gọi CPS!  Nhưng thỉnh thoảng tôi gọi em bé xem nó có an toàn không.  Và cũng để thực hành mớ tiếng Tây Ban Nha của tôi xem con nít nghe chúng có hiểu không?. 

Khi chọn giải pháp 3 này tôi đã tự chuốc phiền vào thân.  Tuy nhiên ai trong chúng ta cũng đã từng có những kinh nghiệm về cuộc sống:  Yên thân đâu hẳn đã là vui?  Bản tính con người là thích làm một cái gì đó hơi “liều lĩnh” một tí cho vui.  Người Việt Nam chúng ta nổi tiếng trên thế giới về lòng gan dạ trong những chuyến vượt biên. Ai chưa từng vượt biên thì được xem là…gan chưa to!.  Suốt ngày hôm đó, hầu như mỗi giờ, tôi lại gọi cho bé Alejandra để vừa làm remote security cho em, vừa thực hành tiếng Tây Ban Nha với Maestra tí hon.  Cám ơn Bề Trên, một ngày bình an qua đi.  Ngày hôm sau, sự chịu chơi của tôi xuống cấp vì bé Alejandra vẫn ở nhà một mình!!!  Dám chơi thì dám chịu!  Hôm nay dù tôi có gọi CPS thì tôi vẫn bị sở nẹc, vì đã không làm ngay theo qui định của sở.  Chơi luôn…Quả nhiên Thượng Đế đã gởi đến cho tôi một sứ giả để tiếp sức trong khi … “Tôi toan chìm giữa khơi!”: Tina Colunga đến thăm tôi!  Cô là một người Mễ Tây Cơ chính hiệu con nai vàng, và là người bạn khá thân của tôi.  Tôi gợi sự tò mò của cô bằng cách cho cô biết tôi đang có câu chuyện rất …hồi hộp, nhưng cô phải hứa là không nói với ai cho đến khi có kết quả tốt.  Cô hứa ngay.  Tôi bắt đầu đề cao văn hóa Hispanic, và tô son điểm phấn cho văn hoá này khiến cô sướng đến hồng cả đôi má lên!  Tôi vào câu chuyện và nhờ cô nói chuyện trực tiếp với bé Alejandra.  Cô nói tiếng Tây Ban Nha dòn như pháo giao thừa.  Tôi có cảm tưởng là hôm ấy cô nói chuyện hay hơn ngày thường.  Xong câu chuyện tôi vào nghề phỏng vấn cô ngay, có lẽ chính tôi hôm ấy cũng trở thành một ký giả chuyên nghiệp:  “Sau giờ làm việc tôi sẽ gọi đến nhà nói chuyện với mẹ của bé Alejandra có gì trở ngại không?  Phải bắt đầu ra sao?  You có sáng kiến gì trong vụ này không?  Nhớ đừng báo cáo với sở cho đến khi có kết quả tốt…”.  Người bạn làm việc bên chúng ta một ngày như mọi ngày, bỗng hôm nay trở nên người bạn đặc biệt, cùng sát cánh bên nhau thi hành một sứ mạng không bình thường:  Lý Lẽ của Con Tim!  Khi hoàn thành mật vụ, người bạn tôi hug tôi một cái thật đậm, trước khi trở về nơi làm việc. 

Đã 7 giơ tối, chắc mẹ của Alejandra đã về nhà.  Tôi cầm cái phone trong tay mà lòng hồi hộp như sắp hẹn hò với người yêu trong mối tình đầu vậy.  Tôi bấm số vì đã thuộc lòng, nhấn call, áp sát vào tai như để nghe từng âm thanh.  Chuông reo vài tiếng, rồi “Bueno”.  Đúng rồi!  Không phải là bé Alejandra nữa, mà là Bé …Bự!  Tôi bắt đầu thuyết pháp hơi loạc choạc, nhưng áp dụng ngay những chiêu thức mà người bạn Hispanic mới truyền cho sáng nay, tôi từ từ làm chủ tình hình.  Lúc đầu cô ta chối quanh và nói là chỉ chạy qua hàng xóm một chút.  Tôi trấn an “Bây giờ là 7 giờ tối, tôi không còn là nhân viên của cơ quan nào hết!  Tôi là bạn của cô!  Yo soy tu amigo ahorra, mi Espanol es limitado pero mi amiga hablo mucho con tu hija esta manana (Tiếng TBN của tôi giới hạn, nhưng bạn của tôi đã nói chuyện với con của cô rất nhiều sáng nay).  Cô ta biết không chối được nữa, và với sự thân thiện của tôi, cô bắt đầu tâm sự về những khó khăn, phải đi làm, và không đủ tiền gởi bé Alejandra, phải nhờ một người chị họ ở cách đó dăm căn nhà trông chừng giúp.  Hai đứa con lớn 6 tuổi và 7 tuổi đã đi học.  Qua sự kể lể của cô, tôi biết ngay cô đủ tiêu chuẩn để ở nhà coi con và được chương trình DFPS (Department of Family Protective Services) trả tiền cho.  Tôi giảng giải cặn kẽ cho cô về chương trình này, và hỏi cô có muốn tham gia không?  Tôi cho cô số điện thoại để nộp đơn tham gia chương trình, tôi nói rõ cách thức làm đơn và những giấy tờ cần bổ túc để được quyền lợi.  Cuộc khủng hoảng đến hồi kết thúc.

Sáng hôm sau tôi gọi thêm một lần nữa cho chắc ăn.  Quả thực, cô ta ở nhà.  Chúng tôi nói chuyện thân mật như hai người bạn đã quen từ lâu.  Cô ta nói tiếng Anh khá giỏi, mặc dù hơi accent, nhưng cô có giọng nói ngọt và hấp dẫn đến mê hồn!  Cô ta hỏi thêm những gì cần làm để bổ túc cho DFPS, và cô không quên hỏi tên tôi, nơi tôi làm việc….

Những ngày lễ vọng Giáng Sinh lặng lẽ đi qua.  Trong tâm hồn tôi vẫn còn phảng phất một niềm vui là lạ.  Một buổi sáng trước Giáng Sinh 3 ngày, tôi cũng đi làm như thường lệ.  Vừa lái xe ra khỏi garage, một con chim bay tới hót líu lo trên cành phong trước nhà đã trụi lá, như để báo tin mừng Con Chúa sắp ra đời.  Tôi vào văn phòng ngồi chưa nóng…chỗ, người thư ký cho biết tôi có client tên Yolanda Martinez cần gặp.  Người tôi nóng ran lên vì tôi đã biết Yolanda là ai!  Tôi ra phòng chờ đợi để xem mặt mũi người mà tôi đã từng counseling đặc biệt, người có giọng nói truyền cảm và vô cùng hấp dẫn ấy ra sao.  Vừa thấy tôi, cô đứng lên khỏi chỗ ngồi.  Một phụ nữ Mễ Tây Cơ tóc hung, không đẹp, nhưng có vẻ lãng mạn vô cùng, cô chạy đến tươi cười  “You are Mr. Nguyen?”  Cô đến để báo một tin vui “DFPS đã chấp nhận hồ sơ của cô, và kể từ đầu tháng 1 cô bắt đầu được lãnh lương về việc chăm sóc 3 đứa con và một đứa cháu của người chị họ (Vì người này thích đi làm hơn là ở nhà trông con!).  Như vậy từ nay Yolanda cứ việc ở nhà trông con và được lãnh lương như người đi làm vậy, bé Alejandra không phải ở nhà một mình nữa.  Cô đưa cho tôi tấm thiệp Giáng Sinh đơn giản như cuộc sống nghèo nàn của cô.  Đây là một trong những tấm thiệp Giáng Sinh đẹp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm công tác xã hội của tôi.  Đôi mắt cô sáng lên và đôi má ửng hồng như muốn ôm lấy tôi để tỏ lòng biết ơn theo thói quen Mỹ, nhưng nơi đó là chốn công cộng, nên tôi đành…!  Tôi nhận tấm thiệp trong lòng vui sướng vì đã làm được một công việc mà Cha Trên Trời gọi là “Ta đói con đã cho ăn, ta khát con đã cho uống”.  Duy chỉ có một điều mà … Ngài trách tôi, đó là “Em muốn hug mà anh… chẳng chịu!”. 
Phải chăng tôi đã làm một cái gì đó không đúng như luật lệ thông thường?  Tôi đi bám vào vách đá trơn trượt để leo lên tìm một thứ luật lệ…toàn mỹ hơn, giống như cái tinh thần của những người làm luật từ thuở ban sơ “Lex pro hominibus, et non homo pro legibus” (Luật vì con người, chứ con người không vì luật!).  Nhưng trong cái trò chơi này, nếu lỡ có chuyện gì không may xẩy ra, thí dụ lỡ bé Alejandra bị cướp đến hãm hại chẳng hạn, thì bao nhiêu công cán, mưu toan của tôi đã trôi theo giòng nước, rơi xuống vực sâu ân hận!  Thế mới biết “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại…MAY!” là vậy.  Cảm tạ Ơn Trên.  Cám ơn sự Bình An của Mùa Giáng Sinh năm ấy. Mong rằng câu chuyện không mấy mặn mà này đem đến cho người đọc một cái nhìn “dí dỏm” về luật pháp.  Phải công nhận rằng trong cuộc sống phức tạp hôm nay, chúng ta cần luật pháp để duy trì trật tự.  Thế nhưng bên ngoài những xã ước, bên kia dãy núi Pyrénées, vẫn có những trật tự nhiều màu sắc (Au delà du Contrat Social, à l’autre côté des Pyrénées, il y aurait des ordres multicolores).  Tôi viết bài này không mong ai đó “bám vào vách đá trơn trượt để leo”, nhưng nên đi trên đường …tráng nhựa, nếu có!

PS.  Tại Mỹ có nhiều chương trình xã hội giúp mọi người tùy theo hoàn cảnh.  Tuy nhiên phải biết để ứng dụng.  Người counselors như chúng tôi được đi học về những chương trình đó, và được “bồi dưỡng” (training) thường xuyên hàng tháng để có thể counseling cho những người cần đến và hội đủ tiêu chuẩn nhận được quyền lợi của họ.  Mơ ước của tôi là một ngày nào đó, khi về hưu chẳng hạn, được làm công việc này trên chính Quê Nhà của mình.

Đồng hương Ba Rinh  N. K. L. USA